Tượng Phật khắc họa chân dung, diễn tả hiện thực đời sống con người, đồng thời cũng mang đầy tính siêu thực, trừu tượng với vô vàn chi tiết biến ảo của trí tưởng tượng. Hệ thống tượng Phật trong những ngôi chùa Việt Nam (điển hình ở Bắc Bộ) vô cùng phong phú, bất kỳ pho tượng nào cũng là tác phẩm điêu khắc nghệ thuật, phản ánh suy nghĩ, tâm tưởng của chúng sinh. Cùng tìm hiểu sơ lược nghệ thuật tạo tác tượng Phật ở Việt Nam qua bài viết dưới đây. 

sơ lược nghệ thuật tạo tác tượng phật ở việt nam

Muôn màu muôn vẻ

Theo PGS-TS Trang Thanh Hiền, tượng Phật Việt Nam có những quy tắc nhận diện nhất định, nhưng cũng rất gần với đời sống và nhân tướng học của người Việt.

PGS-TS Trang Thanh Hiền đã mất 5 năm để viết cuốn sách Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt (NXB Hà Nội). Trong những năm đó, bà đi rất nhiều ngôi chùa, chụp hình, đo vẽ lại những bức tượng Phật để phân loại, phân tích. Tượng đá, tượng đồng, tượng gỗ mít, tượng đắp đất tô màu... đều là đối tượng khảo sát của bà.

“Tôi phải có đủ tư liệu ghi chép để phân tích đủ kiểu, đọc ra được chuẩn tắc trong tạc tượng để sau này trùng tu không chệch khỏi những gì đã trở thành di sản cha ông”, bà Hiền nói.

Chính vì thế, trong cuốn sách của bà Hiền có thông tin về hệ thống tượng Phật trong chùa, sơ đồ vị trí của chúng. Cũng có cả những khái niệm để người xem hình dung rõ hơn nguồn gốc của các chi tiết tạo hình trên tượng. Chẳng hạn, bà Hiền giải thích về ấn chuẩn đề, bảo tháp, bánh xe pháp luân, vỏ ốc, bảo bình, vành hào quang, các dạng bệ tượng như sư tử đội đài sen, rồng đội đài sen...

sơ lược nghệ thuật tạo tác tượng phật ở việt nam

Nghệ thuật tác tạo tượng Phật ở Việt Nam xuất hiện từ rất sớm, phản ánh suy nghĩ, tâm tư của chúng sinh

Sách cũng cho thấy “dòng chảy” của tượng qua nhiều thời kỳ. “Thời Lý, tượng thường được chạm khắc bằng đá với kích thước lớn. Thời Trần thì chất liệu đồng được ưa chuộng.

Giai đoạn này Phật giáo được xem là quốc giáo, nên việc dựng chùa, tạo tượng thường do triều đình bỏ tiền ra hưng công. Do đó, chất liệu sử dụng cũng là chất liệu bền vững, trau chuốt, tỉ mỉ.

Từ sau thời Mạc, với sự thay đổi của hình thức kiến trúc ngôi chùa Việt, truyền thống tượng đá vẫn tiếp tục nhưng điêu khắc gỗ bắt đầu phát triển mạnh hơn. Kỹ thuật chạm khắc gỗ và sơn thếp tượng Phật cũng đạt đến đỉnh cao ở thế kỷ 17 - 18”, bà Hiền phân tích.

Cũng theo bà Hiền, trong lịch sử phong kiến, khi vua, chúa bỏ tiền ra hưng công chùa chiền thì diện mạo của ngôi chùa cũng khác hẳn với điêu khắc và kiến trúc đồng bộ, đẹp đẽ. Với chùa làng, chùa dân, chất lượng tượng phụ thuộc vào làng đó giàu - nghèo, thịnh - suy ở từng giai đoạn.

Nghệ nhân tạo nên bản sắc Việt

Bà Hiền cũng tham khảo các sách về tạo tác tượng Phật xưa. Hiện chúng còn sót lại không nhiều, chủ yếu là chữ Hán - Nôm. Sách thường đề cập ba nội dung. Một là cách thức họa và tạc các pho tượng. Hai là cách thức bài trí đàn cúng Phật, có sơ đồ cụ thể cho các đàn cúng. Ba là các nghi thức an tượng, điểm nhãn, các bài kinh tán tụng dùng trong nghi thức này.

Căn cứ nội dung của sách, ta thấy để tạo tác được một pho tượng Phật, thì người nghệ nhân phải thông thạo khá nhiều lĩnh vực ngoài kỹ thuật tạo tượng như toán học, thuật hình học và cả nhân tướng học. “Tỷ lệ được sử dụng trong các sách chủ yếu là sử dụng đơn vị đo của dân gian. Các đơn vị như ngón, thốn, túc là tỷ lệ đo đạc trong thực hành châm cứu Đông y”, bà cho biết.

Tuy nhiên điều thú vị nhất, theo bà Hiền, là những cuốn sách này không được phổ biến trong các làng nghề dù đã từng được sử dụng. Một khảo sát cho thấy nghệ nhân ở làng Sơn Đồng (Hà Nội) từng tạc những mẫu tượng trong sách Diên Quang Tam Muội tạo tượng kinh, song lại chưa bao giờ thấy sách.

“Việc không phổ biến sách tạc tượng trong các làng nghề chứng tỏ vai trò của các nghệ nhân trong việc tạo tượng Phật là rất quan trọng. Vai trò này đã tạo nên bản sắc của tượng Phật Việt Nam. Chỉ có vài cuốn đã từng trở thành cẩm nang làng nghề. Khi việc tạo tác thành thạo, người ta bỏ sách để truyền miệng, truyền tay. Chính sự truyền miệng, truyền tay đã khiến việc tạo tác tượng có nhiều thay đổi”, bà Hiền phân tích.

Bộ tượng Tam Thế Phật tại chùa Linh Ứng là những tác phẩm hiếm có còn sót lại thời nhà Trần

Cũng theo bà Hiền, chính do lối thức truyền nghề này mà điêu khắc Phật giáo Việt, dẫu có ảnh hưởng từ điêu khắc Phật giáo Trung Quốc từ hệ thống sách vở thì cũng đã Việt hóa những nguyên tắc đó thành công thức riêng của người Việt để tạo tượng Phật Việt.

“Các hình tượng điêu khắc trong chùa Việt hiện ra với các nhân tướng khác nhau là phản ánh đời sống và nhân sinh quan người Việt. Từ những kiếp người khổ đau gầy trơ xương đến những vị sung sướng béo tốt bụng phệ; từ những đứa trẻ sơ sinh đến vua, quan, lính dân... đều hiện diện. Trong đó, nổi bật nhất là hình tượng người mẹ Việt trong các pho tượng Quan âm, Bồ tát, Quan âm Thị Kính, Quan âm tống tử...”, bà Hiền nói.

Bà Hiền nhận định rằng công nghệ in ba chiều hiện nay đã giúp người ta có thể làm tượng giống y như đúc. Tuy nhiên, điều đó không mang lại cảm xúc cho các bức tượng cần phục dựng. Chính vì thế, cuốn sách này ra đời để người làm tượng hiểu hơn thẩm mỹ của ông cha và nối nghề.

>> Xem thêm: Các pho tượng Phật quý hiếm được công nhận là bảo vật quốc gia

Tượng Phật trong dòng chảy văn hóa

Mỗi thời đại thịnh trị đã để lại những di sản Phật Giáo rực rỡ, các nhà khảo cổ gọi đó là những tầng văn hoá. Văn hoá Phật giáo gồm 6 tầng rõ rệt: Văn hoá thời Bắc thuộc (thế kỷ VII-IX); Văn hoá thời Đinh Lê (nửa cuối thế kỷ X); Văn hoá thời Lý Trần (thế kỷ XI-XIV); Văn hoá thời Lê (thế kỷ XV-XVIII); Văn hoá thời Nguyễn (thế kỷ XIX-nửa đầu thế kỷ XX); Văn hoá đương đại (từ năm 1945 trở đi).

Xen giữa những tầng văn hoá là thời kỳ khủng hoảng văn hoá: Loạn 12 sứ quân (giữa thế kỷ X); Lê ngoạ triều (đầu thế kỷ XI); giặc Minh xâm lược (đầu thế kỷ XV); giặc Thanh xâm lược (năm 1788); thực dân Pháp xâm lược (1858)... Di sản Phật giáo thuộc những thời kỳ này rất hiếm hoi, các nhà khảo cổ học gọi là “mảng tối văn hoá”, hay “đứt gãy văn hoá”.

Hệ thống tượng Phật ở Bắc Bộ vô cùng đa dạng, không những về loại hình mà còn về chất liệu. Tượng cổ chủ yếu sử dụng các chất liệu: đá, đồng, gỗ, đất sét nung, và đặc biệt là gỗ mít.

Theo quan niệm dân gian, đây là loại gỗ “thiêng”, rất được ưa chuộng trong việc chế tác các đồ thờ cúng. Gỗ mít có đặc tính dẻo, mềm, thớ dặm, do vậy tránh được những sơ suất trong khi đục, lại có độ bền cao, ít nứt, dễ gọt.

Tượng Phật được tôn tạo bằng nhiều chất liệu khác nhau như đồng, gỗ, đá (ảnh minh họa)

Ngày nay, bên cạnh những nguyên liệu cổ truyền như gỗ, đá, đồng, người ta đã sử dụng cả bê-tông để chế tác tượng, vì nguyên liệu này vừa dễ tạo hình, lại có độ bền cao.

Tượng Phật bằng đá có niên đại sớm nhất hiện còn lưu giữ được ở Bắc Bộ là những pho tượng thời Lý, số lượng ít, và cũng không có pho tượng nào còn nguyên vẹn.

Được nhắc tới nhiều nhất là pho tượng A Di Đà chùa Phật Tích (Bắc Ninh), niên đại 1057. Pho tượng Kim Cương bảo vệ Phật pháp cùng niên đại cũng ở chùa này đã mất đầu và chân, hiện được bảo tồn tại Viện Bảo tàng lịch sử.

Chùa Duyên Ứng (Long Đọi - Hà Nam) có pho tượng Kim Cương cao 1,57m; chùa Huỳnh Cung (Hà Nội) có pho tượng A Di Đà, cả hai pho tượng bằng đá thời Lý quý giá này đều đã mất đầu. Tượng thời Lý còn đầy đủ bộ phận hơn cả là hai pho đá chùa Ngô Xá (Nam Định) và chùa La Khê (Hà Tây), chỉ bị vỡ một phần đài sen.

Lần theo sử sách, nhiều tài liệu ghi về việc đúc những pho tượng Phật bằng đồng vào thời Lý, đặc biệt là pho tượng Phật khổng lồ do Minh Không đúc trên núi chùa Quỳnh Lâm - một trong những Thiên Nam tứ đại khí. Nhưng đáng tiếc, pho tượng bằng đồng và gỗ của thời Lý không còn tồn tại được đến ngày nay.

Tượng Phật thời Lý còn sót lại đã hiếm, tượng Phật thời Trần lại càng hiếm hơn. Ngày nay không còn tìm thấy bất cứ pho tượng nào của thời Trần, riêng bệ tượng thì lại vô cùng phong phú.

Trong những ngôi chùa cổ ở suốt dọc sông Đáy còn sót lại rất nhiều hương án đá có niên đại cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là những bệ ngồi của tượng, vì ở phía sau không còn chỗ nào để đặt tượng.

Từ thời Hậu Lê trở đi, hệ thống tượng Phật ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng về chất liệu (gỗ, đá, đất, sứ...) lẫn nghệ thuật tạo hình. Niên đại thế kỷ XV, còn lưu giữ được Bộ tượng Tam Thế Phật bằng đá ở chùa Ngọc Khám.

Một trong những bộ tượng thường thấy là bộ tượng Tam Thế (ảnh minh họa)

Riêng niên đại thế kỷ XVI đã khá phong phú, tượng Phật chủ yếu tạc từ gỗ. Ta gặp những bộ Tam Thế Phật ở chùa Thầy, chùa Ninh Hiệp (Hà Nội); chùa Trà Phương (Hải Phòng)... chùa La Khê (Hà Nội) có tượng Thích Ca tọa thiền.

Thế kỷ XVI cũng đã bắt đầu xuất hiện tượng Quán Âm Nam Hải (Thiên Thủ Thiên Nhãn), hiện còn lưu giữ ở chùa Đào Xuyên, chùa Nga My (Hà Nội); chùa Thượng Trưng, chùa Hội Hạ (Vĩnh Phúc); chùa Động Ngộ (Hải Dương). Chùa Phổ Minh (Nam Định) có tượng Quán Âm cứu độ. 

Tứ pháp trong 4 ngôi chùa cổ: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện cũng đều là những pho tượng được xác định niên đại thế kỷ XVI. Trước công nguyên, nhân dân ta thờ các vị thần: Mây, Mưa, Sấm, Chớp.

Khi đạo Phật truyền vào, đã được dung hòa với tín ngưỡng bản địa, vì vậy bốn vị thần được người dân coi là Phật. Lúc đó trong chùa chưa thờ tượng Phật Thích Ca, mà Tứ pháp là các vị Phật sơ khởi được nhân dân thờ phụng trong chùa.

Tương truyền Tứ pháp được Sĩ Nhiếp cho tạc để thờ trong 4 ngôi chùa cổ trên vào thế kỷ thứ III. Trải qua thời gian, những pho tượng từ thời Sĩ Nhiếp đã không còn. Theo các nhà khoa học, Tứ pháp trong 4 ngôi chùa cổ nhất nước ta hiện nay là những pho tượng có niên đại muộn hơn nhiều, vào thời Hậu Lê.

Cùng với hệ thống tượng gỗ, thời Hậu Lê cũng phong phú các pho tượng đá. Nơi lưu giữ nhiều pho tượng đá cổ nhất nước ta có lẽ là chùa Trầm (Chương Mỹ, Hà Tây) với 48 pho tượng đá thời Lê được chế tác công phu, tinh xảo.

Từ thế kỷ XVII trở đi, và mặc dù sau đó đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, nhưng thế giới tượng Phật vẫn ngày càng trăm hoa đua nở. Rất nhiều pho tượng mang tính kinh điển đã trở nên thân thuộc với đời sống tâm linh người dân Á Đông: Tòa Cửu Long, Thích Ca tọa thiền, Thích Ca nhập niết bàn, A Di Đà, Tam thế, Di Lặc, Quán Âm tọa sơn, Quán Âm Nam Hải, Tuyết Sơn, Chuẩn Đề, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng Vương, các vị La hán...

Ngày nay, nghệ thuật tôn tạo tượng Phật vô cùng phát triển (ảnh minh họa)

>> Xem thêm: Tượng Phật nào lớn nhất Việt Nam

Vị trí đặt tượng Phật trong văn hóa Phật giáo

Số lượng tượng Phật và nghệ thuật sắp đặt tượng ở mỗi ngôi chùa mang những phong cách khác nhau, nhưng thường tuân theo quy tắc chung.

Hai bên tiền đường luôn sừng sững hai pho Hộ pháp với kích thước to lớn khác thường. Tòa Thiêu hương bố trí nhiều lớp tượng cân xứng hai bên.

Chính giữa lớp trên cùng của Thiêu hương là tượng Ngọc hoàng, hai bên có Nam Tào và Bắc Đẩu. Nhiều ngôi chùa để tòa Cửu Long tọa lạc ở trung tâm của Thiêu hương, phía trước tượng Ngọc hoàng. Thiêu hương không thể thiếu các tượng Thánh hiền, Đức ông bố trí đăng đối, mỗi pho tượng này lại có thêm 2 pho người hầu. Lớp dưới cùng thường có tượng Tổ và tượng Thổ địa.

Tam bảo của Thượng điện chỉ dành để bài trí tượng Phật nên còn gọi là điện Phật. Hai bên Tam bảo có 2 hàng tượng Thập điện Diêm Vương (mỗi bên 5 pho) nhằm làm tăng sự uy nghiêm cho Phật điện.

Tượng ở Tam bảo sắp đặt thành nhiều lớp, trung bình có 5-6 lớp tượng. Mỗi lớp tượng thường có 1 pho hoặc 3 pho, thậm chí 5 pho.

Vị trí đặt tượng Phật có sự phân cấp nhất định (ảnh minh họa)

Những pho tượng ngự độc lập trên một lớp thường là: Thích Ca, A Di Đà, tòa Cửu Long, Quán Âm thiên thủ thiên nhãn... Những lớp tượng 3 pho thường tạo thành bộ Tam thế Phật, cùng với biến thể Di Đà Tam tôn.

Không tọa lạc ở những vị trí trang nghiêm tối thượng của Tam bảo, chỉ trú dọc 2 dãy hành lang chùa, nhưng hệ thống tượng La hán vẫn mang giá trị thẩm mỹ cao, đầy ắp giá trị hiện thực nhân sinh.

La hán tái tạo những con người sắp thành Phật, đang ở cảnh giới trung gian giữa cõi người và cõi Phật. Để đạt thành chính quả, con người phải trải qua muôn vàn gian nan, kiếp nạn.

Bởi vậy, các pho tượng La hán chính là tác phẩm để những nghệ nhân xưa truyền tải vào đó những nỗi thống khổ nhất của kiếp người mà họ và biết bao đời đã từng trải qua, quằn quại trong “đêm trường” của xã hội phong kiến.

Một vài quy tắc mỹ thuật trong tạc tượng Phật

Tượng Phật với mục đích để thờ phụng, nên quy trình chế tác đòi hỏi công phu nghiêm cẩn, không phải bất cứ nơi nào cũng làm được. Mỗi nghệ nhân không chỉ cần có sự khéo léo của đôi tay, trí tưởng tượng của khối óc, mà còn phải nắm vững những quy định khe khắt về động tác, dạng thế, kích thước, cách trang phục và các đặc tính cơ bản của mỗi loại tượng. Bởi vậy, từ xưa đã hình thành nên những làng nghề truyền thống chuyên chế tác tượng Phật, phát triển rất thịnh vượng.

- Ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), nổi danh các phường thợ làm tượng gỗ như: Hà Cầu, Bảo Động, Mai Yên. Làng La Xuyên (huyện Ý Yên, Nam Định) không những lừng danh về nghề tạc tượng Phật từ lâu đời mà ngày nay còn nổi tiếng với các sản phẩm đồ gỗ như sập gụ, tủ chè, tủ chùa...
- Tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc về Hà Nội) có 2 làng nghề tạc tượng Phật trứ danh, đó là làng Chàng Sơn (ở huyện Thạch Thất) và làng Sơn Đồng (ở huyện Hoài Đức).
- Những làng nghề chế tác đá lừng danh với sản phẩm tượng Phật bằng đá ở Bắc Bộ phải kể đến: làng Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội); làng Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình)...
- Những làng nghề đúc đồng lừng danh với sản phẩm tượng Phật bằng đồng ở miền Bắc có: làng nghề Tống Xá, Vạn Điểm (thuộc huyện Ý Yên, Nam Định); Ngũ Xá (Hà Nội); Đại Bái (Bắc Ninh)...

 

Pho tượng Phật được chế tác bởi nghệ nhân làng nghề đúc đồng truyền thống Ý Yên, Nam Định

Trong hầu hết các ngôi chùa ở miền Bắc nước ta, số lượng và sự đặt bày tượng Phật cùng với những lễ nghi tôn giáo có những nguyên tắc nhất định. Do vậy, từ hình thức tới nội dung pho tượng, người thợ cũng phải tuân thủ theo những quy chuẩn khá đồng nhất.

Từ cổ chí kim, các nghệ nhân tạc tượng đều lấy "diện" (kích thước của đầu tượng) để làm chuẩn tính tỷ lệ kích thước các bộ phận của tượng Phật.

Tỷ lệ tượng ngồi bằng 4 diện và tượng đứng bằng 7 diện được đúc kết từ bao đời ở nước ta, cũng tương đồng với những quy chuẩn trong nghệ thuật tạo hình nhân dạng ở Châu Âu.

Trong quy chuẩn về bố cục tượng Phật thường phân chia như sau: từ chân tóc tới cằm bằng 1 diện; từ cằm tới rốn bằng 3 diện; từ rốn tới gót chân bằng 3 diện.

Ngoài việc tuân thủ quy tắc về tỷ lệ chiều cao, người thợ cũng cần tuân thủ những công thức rộng vai, dài tay: rộng vai tượng từ 2 đến 4 diện; dài tay khoảng 3 diện; bề dày thân từ 1,5 đến 2 diện.

Công thức đó còn thay đổi tùy thuộc tượng béo hay gầy, tượng nam hay nữ, và cảm hứng sáng tạo riêng của nghệ nhân điêu khắc.

Chế tác, tôn tạo tượng Phật đòi hỏi sự tài năng, cẩn thận, và độ cảm quan tốt

Trên khuôn mặt trước khi tạc, các nghệ nhân thường phân chia từng mảng nhỏ để dễ tác nghiệp: khoảng cách giữa hai con mắt, từ chân tóc tới chân mày, chiều dài sống mũi, bề rộng cánh mũi, khoảng cách giữa môi trên và môi dưới, từ môi dưới tới cằm, độ dày của môi... Bằng thủ pháp nghề nghiệp, họ khai thác triệt để những nét “Phật” thường bộc lộ ở vầng trán, đuôi mắt, mi mắt và cằm.

Tuy nhiên, mọi công thức chỉ mang tính tương đối, mỗi người thợ đều có những bí quyết riêng. Làm nhiều thành thuận tay quen mắt, nên từng hình mẫu Phật đã nhập sâu vào tâm khảm người thợ.

Hi vọng những chia sẻ vừa rồi của Đúc Đồng Bảo Long sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về sơ lược nghệ thuật tạo tác tượng Phật ở Việt Nam. Nếu quý vị đang có nhu cầu đúc tượng Phật thờ hay cung tiến tượng Phật vào chùa, hãy tham khảo các mẫu tượng của cơ sở chúng tôi. 

Kế thừa và phát huy những giá trị nghệ thuật tại làng nghề đúc đồng truyền thống Ý Yên, Nam Định, cơ sở Đúc Đồng Bảo Long là một trong những đơn vị hàng đầu chuyên nhận đúc tượng Phật đẹp, uy tín. Các sản phẩm đúc thủ công mỹ nghệ của chúng tôi được chế tác hoàn toàn bằng tay người nghệ nhân giỏi, thể hiện trình độ đúc đồng đỉnh cao. Các mẫu tượng Phật bằng đồng của Bảo Long luôn được khách hàng, các sư thầy đánh giá cao về độ giống thật, đẹp chân thực và nét truyền thần trong bức tượng. Mỗi sản phẩm đều đạt các tiêu chí kiểm định nghiêm ngặt, nét chạm thanh thoát, diện mặt thần thái, tỉ lệ kích thước hình khối chuẩn. 

Để được tư vấn chi tiết hơn về sản phẩm và dịch vụ, quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0968 966 268 để được tư vấn và báo giá tốt nhất. Tìm hiểu thêm thông tin tại website: ductuongphat.com

Viddeo xem thêm

Nguồn: Tổng hợp

Biên soạn: Đúc Đồng Bảo Long

>> Xem thêm:

+99 Mẫu tượng Phật Di Lặc cực đẹp

+101 Mẫu tượng sư hòa thượng các chùa

+155 Mẫu tượng Bồ Tát đẹp nhất